Thiết kế Hatsuharu_(lớp_tàu_khu_trục)

Lớp tàu khu trục Hatsuharu được thiết kế để tháp tùng lực lượng tấn công chủ lực của Hải quân Nhật Bản, và để tiến hành những cuộc tấn công cả ngày và đêm bằng ngư lôi nhằm vào Hải quân Hoa Kỳ khi chúng vượt băng qua Thái Bình Dương, theo kế hoạch của học thuyết chiến lược hải quân Nhật Bản.[3] Chúng sẽ được trang bị vũ khí ngang với lớp Fubuki trước đó cho dù trọng lượng choán nước chỉ có 1.400 tấn thay vì 1.700 tấn trên các tàu khu trục trước đây. Hơn nữa, hệ thống kiểm soát hỏa lực của chúng được chuyển sang kiểu hiện đại hơn so với hệ thống cũ, phù hợp cho việc sử dụng trong phòng không. Việc này đòi hỏi phải cải biến các tháp pháo để bắn ở góc cao, có nghĩa là cần có những động cơ mạnh hơn nhằm xoay và nâng các khẩu pháo nhanh chóng để đối đầu với máy bay tốc độ cao. Các ống phóng ngư lôi được cung cấp một lớp vỏ bảo vệ cho phép sử dụng chúng ngay cả khi biển động và bảo vệ khỏi những hư hại do mảnh đạn pháo. Lớp Hatsuharu cũng được trang bị cầu tàu chỉ huy hiện đại được bọc kín, bảo vệ khỏi sự càn quét bắn phá của máy bay. Những đòi hỏi này chỉ có thể đáp ứng bằng cách tăng thêm trọng lượng của phần bên trên (tức cấu trúc thượng tầng) và làm nâng cao trọng tâm của con tàu. Cách duy nhất để duy trì trọng lượng rẽ nước ở mức được ấn định là nỗ lực tìm cách giảm trọng lượng của lườn tàu và các thiết bị khác bên dưới mực nước càng nhiều càng tốt. Nhưng điều này đặt những nhà thiết kế vào thế "tiến thoái lưỡng nan" vì việc giảm phần trọng lượng con tàu bên dưới mực nước lại nâng cao hơn nữa trọng tâm và làm giảm độ ổn định của con tàu.[4]

Trọng lượng của lườn tàu có thể giảm bớt tổng quát bằng cách sử dụng thép có phẩm chất cao vốn nhẹ hơn và nhỏ hơn với cùng sức chịu đựng, sẽ giúp giảm bớt kích cỡ, nhất là chiều dài; hoặc sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như hàn điện, sẽ giúp giảm trọng lượng so với kỹ thuật đinh tán truyền thống. Người Nhật sử dụng cùng loại thép có độ co giãn cao dành cho lớp Hatsuharu giống như những lớp tàu khu trục cũ trước đây; và đã chọn không gia tăng công suất công suất các turbine và nồi hơi để đặt được tốc độ mong muốn, nhưng kéo dài lườn tàu để bùp đắp sự giảm công suất của một hệ thống động lực nhẹ hơn. Chiều ngang lườn tàu được mở rộng chịu đựng một phần trọng lượng nặng bên trên, nhưng mớn nước được giảm bớt để làm giảm lực cản, vốn lại làm giảm độ cân bằng do thu hẹp khoảng bên dưới mực nước so với khoảng bên trên, và chịu áp lực bởi gió. Hàn điện được sử dụng rộng rãi để làm giảm trọng lượng cho dù kỹ thuật này đang trong giai đoạn mới phát triển tại Nhật Bản và vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề.[5]

Các biện pháp làm giảm trọng lượng được sử dụng rộng rãi trong quá trình thiết kế và chế tạo lườn tàu. Nhiều khung với cấu trúc nhẹ được đặt gần lại hơn để làm giảm độ dày của vỏ lườn tàu, và việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật hàn là một số kỹ thuật được sử dụng để giảm bớt trọng lượng lườn tàu 66,5 tấn (65,4 tấn Anh; 73,3 tấn thiếu) so với lớp Fubuki. Những chiếc trong lớp Hatsuharu ngắn hơn 10 mét (33 ft) so với lớp Fubuki, nhưng có mật độ 4,9 tấn (4,8 tấn Anh; 5,4 tấn thiếu)[Chuyển đổi: Số không hợp lệ] mỗi 1 mét (3,3 ft) chiều dài lườn tàu so với 5,09 tấn (5,01 tấn Anh; 5,61 tấn thiếu)[Chuyển đổi: Số không hợp lệ] mỗi 1 mét (3,3 ft) của Fubuki.[6]